Người băng Oetzi là một trong những xác ướp nổi tiếng nhất thế giới, nhưng cũng là nỗi ám ảnh của giới khoa học vì những cái chết của những người liên quan tới việc tìm ra xác ướp 5.000 năm này.
Ngày 19/9/1991, trong khi đang tìm đường vượt qua dãy núi Otztal Alps, hai nhà leo núi người Đức phát hiện một xác ướp được bảo quản nguyên vẹn trong băng. Nó được cho là xác ướp có niên đại cổ nhất Châu Âu.
Cuộc khám nghiệm xác ướp gây tranh cãi được thực hiện tại Hauslabjoch, biên giới giữa Áo và Italy. Giới khoa học đưa ra hàng loạt giả thuyết về tuổi của xác ướp và nguyên nhân tử vong, tình trạng sức khỏe, nhưng quan trọng nhất là câu hỏi: Ông ta đã làm gì giữa đỉnh núi Alps quanh năm tuyết phủ này?
Được biết đến với biệt danh “Người băng Tyrolean”, Oetzi là xác ướp 45 tuổi. Trên người Oetzi còn trang bị khá nhiều dụng cụ như rìu đá, cung tên chưa hoàn thành, túi đựng tên bằng da và một khung dạng ba-lô làm bằng gỗ thông và gỗ dẻ. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học xác định một vài vật dụng của Oetzi được sử dụng từ nhiều nghìn năm trước. Rất nhiều nghiên cứu thực hiện trên xác ướp Oetzi, và các nhà khảo cổ tin rằng có thể Oetzi sống trong thời kỳ chuyển tiếp giữa thời Đồ Đồng và Đồ Đá ở Trung Âu hơn 5.000 năm trước. Nghiên cứu về mô cơ thể của Oetzi bằng phương pháp phóng xạ cacbon cho biết, cái chết của Người băng có lẽ xảy ra khoảng năm 3.200 trước công nguyên.
Khi được phát hiện, xác của Oetzi rất hoàn hảo và nguyên vẹn, kể cả quần áo và vật dụng. Vì thế, một cuộc tranh cãi lớn nổ ra giữa các nhà khoa học về thân thế của Oetzi: Liệu anh ta chỉ là một người chăn cừu bình thường hay là một pháp sư?
Theo giả thuyết đầu tiên, Oetzi mang theo những công cụ đi săn như cung tên, mũi tên nên có thể ông là người chăn cừu. Các cuộc khám nghiệm chi tiết xác chết cho thấy Oetzi là công dân của vùng Vinschgau phía nam dãy Alps. Người ta cũng thấy một chiếc rìu đồng với tay cầm thủy tùng, túi đựng tên bằng da, đá mài, túi đựng thú săn và một vỏ kiếm. Phấn hoa tìm thấy xác định ông chết vào đầu mùa thu, điều này phù hợp với dữ liệu thu thập từ di tích quần áo của Oetzi. Áo choàng, xà cạp, giày được làm bằng da dê, và mũ của Oetzi làm từ lông gấu cùng một đôi giày cỏ, điều này chứng tỏ Oetzi tử vong do cơn bão đầu mùa đông lúc đi săn.
Tuy nhiên, giả thuyết khác lại cho rằng, Oetzi tìm đường lên đỉnh núi để liên lạc với các thế lực tâm linh, vì ngoài các công cụ đi săn tìm được, giới khoa học còn tìm thấy các viên bi màu trắng và tua da xoắn. Hơn nữa, trên xác ướp còn có một số hình xăm dẫn đến việc Oetzi bị nghi ngờ có thể là một pháp sư. Vào thời xưa, những người giữ các viên đá trắng thường có năng lực liên kết với thế giới tâm linh.
Những sự ra đi đầy ám ảnh
Kể từ sau khi xác ướp Oetzi được khai quật, 7 người có liên quan đã lần lượt qua đời. Đầu tiên là Rainer Henn, 64 tuổi, nhà nghiên cứu bệnh học pháp y ở Đại học Innsbruck. Ông chết trong một tai nạn xe hơi khi đang trên đường đến cuộc họp về công việc nghiên cứu của ông. Tiếp theo là Kurt Fritz, 52 tuổi, hướng dẫn viên trên núi, người được cho là phát hiện ra khuôn mặt Oetzi lần đầu tiên, người này chết trong một trận tuyết lở. Sau đó là Rainer Holz, 47 tuổi, người làm một phim tài liệu về việc khai quật Oetzi qua đời vì khối u não.
Một trong hai nhà leo núi phát hiện xác ướp Oetzi đã tử vong.
Những nạn nhân tiếp theo lần lượt là Helmut Simon, 69 tuổi, nổi tiếng là "cha đẻ" của Oetzi, vì ông là một trong hai nhà leo núi tìm thấy xác ướp. Ông chết do bị ngã thác. Tiếp đến là Dieter Warnecke, 45 tuổi, người đứng đầu đội cứu hộ tìm kiếm thi thể của Simon, qua đời vì đau tim ngay sau khi tang lễ của Simon.
Người tử vong tiếp theo là Konrad Spindler, 66 tuổi, lãnh đạo của một nhóm nhà khoa học kiểm tra xác Oetzi tại Innsbruck, Áo. Cuối cùng là ông Tom Loy, 63 tuổi, nhà khảo cổ học phân tử, người có nhiều khám phá đáng chú ý về quần áo và vũ khí của Oetzi. Ông chết vì một căn bệnh máu di truyền.
Xác ướp Oetzi đang được bảo quản tại Bảo tàng South Tyrol. Giới học hy vọng họ sẽ lấy được mẫu DNA của Oetzi để tìm ra “họ hàng” thời hiện đại của xác ướp trong băng bí ẩn này.
Theo An ninh thủ đô