Các nhà khoa học Anh đã chụp được ảnh cái chết đang lan ra như một dải sóng khắp cơ thể của một con giun, bằng cách nghiên cứu sự phát huỳnh quang màu xanh dương di chuyển qua từng tế bào, tới khi toàn bộ sinh vật bị chết.
Các nhà nghiên cứu đến từ Quỹ Wellcome Trust và Hội đồng nghiên cứu Công nghệ sinh học và Sinh vật học (BBSRC) ví sự lan tỏa của dải sáng màu xanh dương di chuyển khắp cơ thể của con giun như thần chết đang cầm lưỡi hái cướp đi sinh mạng của nạn nhân.
Cái chết như dải sóng màu xanh lan tỏa khắp cơ thể con giun. (Ảnh: Daily Mail)
Khi các tế bào đơn lẻ chết, chúng làm khởi phát một phản ứng chuỗi hóa học dẫn đến sự tan vỡ các thành phần tế bào và tích tụ các mảnh vụn phân tử. Các cơ chế phân tử của quá trình này đã được hiểu tương đối rõ ở cấp độ tế bào nhưng chúng ta vẫn không biết nhiều về cách cái chết lan tỏa khắp sinh vật cho tới khi chấm dứt hoàn toàn sự sống.
Ở loài giun, sự lan tỏa của cái chết có thể nhìn thấy dễ dàng dưới kính hiển vi khi một dải sóng huỳnh quang màu xanh dương dịch chuyển qua ruột của nó.
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên trang PLoS Biology, quá trình phát huỳnh quang này do một chuỗi phản ứng hóa sinh gây chết tế bào có tên gọi là "tình trạng hoại tử" gây ra. Và sự lan truyền của nó khắp cơ thể sinh vật phụ thuộc vào việc phát tín hiệu canxi.
Giáo sư David Gems thuộc Viện Sức khỏe Lão hóa, Đại học College London, người đứng đầu nghiên cứu, nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhận diện được chuỗi phản ứng hóa học của sự tự phá hủy, làm lan truyền cái chết tế bào ở giun ... Chúng tôi phát hiện khi phong tỏa chuỗi phản ứng này, chúng tôi có thể trì hoãn cái chết do tình trạng căng thẳng gây ra, chẳng hạn như bệnh nhiễm trùng. Dẫu vậy, chúng tôi không thể làm chậm cái chết do tuổi già. Điều này ám chỉ rằng, sự lão hóa gây tử vong thông qua một loạt quá trình song song".
Cơ chế lây lan hoại tử ở giun cũng tương tự như ở động vật có vú. (Ảnh: Daily Mail)
Các cơ chế liên quan ở giun tương tự như những gì diễn ra ở động vật có vú. Do đó, nhóm nghiên cứu tin rằng, công trình của họ rốt cuộc có thể chứng minh là một mô hình hữu ích để tìm hiểu về cái chết ở người và có lẽ sẽ dẫn tới việc tăng tuổi thọ của chúng ta.
Nguồn phát huỳnh quang màu xanh dương từng được cho là một chất có tên gọi là mỡ nâu, vốn cũng phát ra thứ ánh sáng có màu sắc tương tự và có liên quan đến sự lão hóa do nó tích lũy cùng với sự gia tăng thương tổn ở phân tử. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện nhận định,"thủ phạm" là một phân tử khác - axít anthranilic. Nghiên cứu cũng phủ nhận sự liên quan của mỡ nâu.
Giáo sư Gém nói thêm: "Các khám phá đã dấy lên sự hoài nghi đối với giả thuyết rằng, quá trình lão hóa đơn giản là hậu quả của sự tích lũy tổn hại phân tử. Chúng ta cần phải tập trung vào các sự cố sinh học xảy ra trong quá trình lão hóa và cái chết để hiểu đúng cách thức có thể can thiệp vào những quá trình này".
Theo Vietnamnet, Daily Mail