Article Structure – Cấu trúc một bài báo khoa học

Article Structure – Cấu trúc một bài báo khoa học
Điều đầu tiên phải khẳng định là không có một cấu trúc hoàn hảo cho một bài báo khoa học viết bằng tiếng Anh. Các tạp chí có thể có những quy định về format khác nhau cho bản thảo (manuscript) gửi cho tạp chí đó. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày một cấu trúc chung nhất với mong muốn có thể giúp những bạn bắt đầu viết bài báo khoa học triển khai công việc được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các bạn cần luôn lưu ý là phải tìm hiểu kỹ format bài viết của tạp chí định gửi bài để không bị “rớt ngay vòng gửi xe”.
Một cấu trúc bài báo dễ nhớ là IMRAD (phát âm kiểu [aiemrad]) được viết tắt từ 4 phần chính của một bài báo:

Introduction (Đặt vấn đề/Mở đầu)
Methods (Phương pháp nghiên cứu)
Results (Kết quả nghiên cứu)
And (và – chỉ đưa vào làm từ nối; không có trong bài viết)
Discussion (Thảo luận)
Tất nhiên với một bài viết hoàn chỉnh thì trước IMRAD phải có các phần: Title (tiêu đề), Abstract (tóm tắt) và Keywords (từ khóa). Sau IMRAD còn có: Conclusion (kết luận), Acknowledgements (lời cảm ơn – nếu có), References (tài liệu tham khảo) và Appendix (phụ lục – nếu có).
Cụ thể với một bài báo có độ dài 4000-8000 từ (hoặc 15-25 trang A4), cấu trúc được tổng hợp trong bảng dưới đây:
(1) Title (Tiêu đề) - Mục đích thu hút sự quan tâm của người đọc - độ dài: 8-15 từ
(2) Abstract (Tóm tắt) - Mục đích tóm tắt nội dung của bài báo (Abstract được coi là phiên bản thu nhỏ của bài báo) - độ dài: 150-250 từ
(3) Introduction (Đặt vấn đề) - Mục đích trình bày tầm quan trọng và mục đích của nghiên cứu - độ dài: 500-1000 từ
(4) Literature Review (Nghiên cứu tổng thuật) - Mục đích tổng hợp và phân tích các nghiên cứu trước đây liên quan đến các nội dung chính của bài viết - độ dài: 1000-2000 từ
(5) Methods (Phương pháp nghiên cứu) - Mục đích trình bày các phương pháp đã thực hiện để có kết quả cho bài viết này - độ dài: 500-1000 từ
(6) Results (Kết quả nghiên cứu) - Mục đích trình bày những số liệu, thông tin bạn đã tìm hiểu, khám phá, thu thập và phân tích được - độ dài: 500-1500 từ
(7) Discussion (Thảo luận) - Mục đích phân tích mối liên hệ giữa các số liệu, thông tin thu thập được đặt trong bối cảnh với các nghiên cứu trước đây - độ dài: 1000-1500 từ
(8) Conclusion (Kết luận) - Mục đích tóm tắt kết quả nghiên cứu quan trọng, ứng dụng của nghiên cứu và tầm quan trọng của nghiên cứu - độ dài: 500-1000 từ
Một số bài viết có thể có thêm phần Background (Bối cảnh nghiên cứu) để ngay sau phần Introduction và phần Conceptual Framework (Khung khái niệm) để trước hoặc sau phần Methods.
Như đã trình bày ở trên, đây chỉ là một cấu trúc phổ biến của một bài báo khoa học. Các bạn cần check thông tin cụ thể trong mục Guides for Authors của tạp chí dự định gửi bài để chuẩn bị bản thảo đúng với yêu cầu của tạp chí.
(Bài viết được tổng hợp từ các thông tin của Elsevier, Writing Your Article in 12 Weeks, W. L. Belcher và kinh nghiệm cá nhân)
Trích nguồn: https://www.facebook.com/congbo.quocte.58
PHẦN MỀM