Công nghệ in 3D giúp con người 'bất tử'

Giới khoa học có thể tạo ra các thiết bị tương thích sinh học với con người để điều khiển chân và tay.

Bộ phận giả bằng công nghệ in 3D được cho là bước đột phá trong khoa học. Ảnh: extreme tech.

Nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Tel Aviv, Israel thực hiện bằng công nghệ in 3D nhỏ, tạo ra thiết bị tương thích sinh học với con người và cấy ghép vào cơ thể.

Các thiết bị này là một hệ thống vi cơ điện tử nhỏ có kích thước không lớn hơn một milimet và có thể hỗ trợ các hoạt động bình thường của con người như một bộ phận thật.

Theo truyền thống, những hệ thống này được làm từ silicon, kim loại hoặc gốm sứ. Gần đây,  tiến sĩ Leeya Engel và Jenny Shklovsky ở Đại học Tel Aviv tìm ra một loại vật liệu polymer mới từ công ty ở Pháp để áp dụng cho công nghệ in 3D. 

Từ đó, các nhà khoa học tạo ra những bộ phận giả theo hướng hoàn toàn mới.
Các chuyên gia cho biết, công nghệ mới có thể sẽ thay đổi tất cả, trong đó việc tạo ra chân tay giả hoạt động hiệu quả, an toàn và thoải mái hơn so với các vật liệu truyền thống.

Những bộ phận giả được kết hợp bởi nhiều bộ truyền động và cảm biến nhỏ tích hợp. Chân tay giả được tạo ra từ công nghệ mới có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc như công nghệ được tích hợp trong điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Theo tiến sĩ Engel, việc sử dụng các vật liệu mềm mới để làm thiết bị hỗ trợ hoạt động của con người có thể vượt qua các giới hạn của công nghệ và điều này như lắp Lego cho người lớn.

Nghiên cứu trên được đánh giá là một sự kiện quan trọng trong ngành công nghiệp công nghệ cao và một bước tiến khổng lồ trong lĩnh vực điều khiển học của nhân loại. Trong tương lai, công nghệ mới sẽ được mở rộng nghiên cứu để tiến tới thực hiện nhiệm vụ làm bất tử con người.

Đức Huy (theo Tel Aviv University/Dvice)
PHẦN MỀM