Một thông tin có thể giúp vực dậy giá vàng trên toàn thế giới: Toàn bộ vàng trên trái đất được sinh ra từ những vụ đụng độ của các ngôi sao chết nên rất hiếm trong vũ trụ.
Chúng ta trân quý vàng vì nhiều lý do: vẻ đẹp sáng chói, giá trị kinh tế và hơn hết, vì nó rất hiếm. Giờ đây, con người biết thêm một thông tin khác về loại kim loại quý này. Vàng có nguồn gốc hết sức sâu xa, và chỉ được tạo ra khi các sao neutron va vào nhau với tốc độ khủng khiếp. Kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian (CfA) cho hay lò nung của vàng chính là các vụ nổ tia gamma (GRB), tức những vụ nổ khủng khiếp nhất trong vũ trụ.
Theo kết luận của các chuyên gia, vàng rất hiếm trong cả vũ trụ. Không giống như các nguyên tố khác, như carbon và sắt, nó không thể được tạo ra bên trong một ngôi sao, mà thay vào đó phải được tượng hình từ một sự kiện kinh hoàng hơn gấp nhiều lần, đó là GRB ngắn. May mắn là các chuyên gia đã phát hiện một vụ nổ như vậy hồi tháng trước. Những quan sát trước đó về GRB cho thấy đây là sự đụng độ của hai ngôi sao neutron, tức lõi chết của các ngôi sao sau khi ngôi sao lớn sụp đổ từ các vụ nổ siêu tân tinh. Chưa hết, quầng sáng độc nhất vô nhị tồn tại nhiều ngày tại vị trí diễn ra GRB nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy sự tạo thành một khối lượng lớn các nguyên tố nặng, bao gồm vàng. Một điểm cần lưu ý là hầu hết GRB đều được phát hiện cách xa trái đất, trong vũ trụ xa xôi.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Edo Berger ước tính khối lượng vàng được tạo ra và bắn vào không gian trong quá trình hợp nhất của hai ngôi sao neutron có thể lớn gấp 10 lần khối lượng mặt trăng gộp lại. Ông Berger và đồng sự đã nghiên cứu GRB 130603B vào tháng 6, cách địa cầu gần 4 tỉ năm ánh sáng. Đây cũng là một trong những sự kiện GRB gần nhất từng được phát hiện. GRB được phân thành 2 dạng: dài và ngắn, tùy thuộc vào thời gian phát sáng của các tia gamma. GRB 130603B đã được vệ tinh Swift của NASA phát hiện vào ngày 3.6 và chỉ tồn tại chưa đầy 2 phần 10 giây, theo Space.com.
Dù các tia gamma tan biến nhanh chóng, GRB 130603B cũng đủ thời gian tỏa ra một quầng sáng hồng ngoại mờ dần theo thời gian. Độ sáng và hành vi của nó không hề phù hợp với dạng GRB bình thường, vốn tạo ra các quầng sáng rực rỡ khi các hạt lao với tốc độ cực nhanh đâm vào môi trường xung quanh. Thay vào đó, ánh sáng được tạo ra như thể chúng đến từ các nguyên tố phóng xạ độc hại, cho thấy tình trạng phân hủy bức xạ của sao neutron. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng chuyện các nhà khoa học tính toán được rằng khoảng 1/100 khối lượng các vật chất được bắn ra trong GRB lần này, trong đó có vàng.
Bằng việc kết hợp dự đoán về vàng được sinh ra trong một vụ GRB với số lượng vụ nổ như vậy diễn ra trong suốt đời sống của vũ trụ, các chuyên gia kết luận rằng mọi vàng trong vũ trụ có thể đều đến từ các GRB. Giáo sư Berger hóm hỉnh nói: “Chúng ta cấu thành từ những ngôi sao, và đồ trang sức của chúng ta đến từ các ngôi sao đụng độ nhau”. Theo một cuộc khảo sát của Thomson Reuters GFMS, con người đã khai thác được một lượng khá nhỏ vàng trên trái đất, vào khoảng 172.000 tấn. Hầu hết số còn lại đều không thể chạm tới được, do chúng nằm sâu trong lõi trái đất. Nếu đem tất cả số vàng đã khai thác và đúc thành một khối, chúng ta sẽ có một khối lập phương vàng ròng với mỗi cạnh dài 21 m.
Hạo Nhiên