Hố tử thần là gì?

Trong tuần qua, tại khu dân cư Thủy Sơn (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện hàng loạt "hố tử thần", trong đó có hố rộng hơn 10 m, sâu tới 5 m. Vậy "hố tử thần" là gì? Hay tại sao lại có hiện tượng "hố tử thần"?
"Hố tử thần" (tiếng Anh thường là big holes on Earth) là hiện tượng bề mặt đất bị sụt lún quy mô sâu, rộng. Một số hố tử thần nổi tiếng nhất thế giới (Hells Canyon, Meteor Crater…) dường như là những hố vô tận nuốt chửng cây cối, xe hơi và thậm chí cả các tòa nhà – nói chung đây là một hiện tượng thay đổi cảnh quan cực kỳ nguy hiểm.  Một số hố tử thần khác được nước lấp đầy, trở thành những hồ nổi tiếng và thu hút khách du lịch với cảnh quan chụp ảnh độc đáo như Burning Gates.
Burning Gates
Theo giải thích của trang Mother Nature Network, dưới góc độ địa chất học, hố tử thần xuất hiện khi nước làm xói mòn lớp bề mặt vững chắc, tạo ra một khoang ngầm khiến bề mặt sụp đổ vào trong. Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể được sử dụng ở nghĩa rộng hơn – để chỉ bất kỳ sự sụt lún nào của bề mặt Trái đất. Bất kể được định nghĩa thế nào thì những hố khổng lồ này đều thu hút sự tò mò của chúng ta với những bí ẩn về độ sâu không đáy của chúng.
Trên thế giới, có những hố tử thần rộng và dài đến hàng chục km như Qattara Depression ở Cairo (Ai Cập) có chiều rộng x dài là 120 km x 80km, sâu 133m; hố Sarisarinama ở Venezuela có mỗi chiều đo được là 350m… Nguyên nhân dẫn đến hố tử thần trên thế giới được cho là do thay đổi của kiến tạo địa tầng (nguyên nhân tự nhiên), do khai thác kim cương hoặc khai thác khoáng sản.
Hố tử thần mới nhất ở Cẩm Phả, nuốt chửng cả giường ngủ. Ảnh: VnExpress
Tại Việt Nam, cụ thể là ngoài Quảng Ninh gần đây thì trước đó, Hà Nội và TP.HCM cũng đã ghi nhận có sự xuất hiện của "hố tử thần" ở khu vực thi công các công trình giao thông với quy mô nhỏ.
Đối với hiện tượng hố tử thần ở Cẩm Phả, theo VnExpress vừa đưa tin, đầu tháng 8/2013, Công ty Cổ phần Công nghệ Địa Vật lý (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đến kiểm tra, khảo sát hiện tượng này. Kết quả cho thấy, vị trí sụt lún nằm trên vùng có đất chứa nước ngầm. Sau một quá trình dài, nước ngầm bào mòn và rửa trôi các vật liệu dễ hòa tan trong nước, tạo ra các lỗ rỗng, hang hốc làm cho nền móng công trình của các hộ dân yếu đi, gây ra hiện tượng sụt lún. 
UBND Thành phố Cẩm Phả cho biết, Công ty Cổ phần Công nghệ Địa Vật lý tiếp tục khảo sát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sụt lún để chủ động phòng ngừa giảm thiểu các tác hại của hiện tượng sụt lún trên địa bàn các phường Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Sơn và thông báo rộng rãi kết quả khảo sát để nhân dân yên tâm.
Thanh Xuân
PHẦN MỀM