Đây là một ý tưởng hết sức thú vị về một công cụ ngôn ngữ online "không thế sai sót" qua việc khai thác dữ liệu từ các trang tin nổi tiếng.
Nếu bạn từng phải viết bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, hẳn bạn sẽ ý thức được rất rõ ít nhất hai điều này: (1) viết lách mất nhiều thời gian hơn bạn tưởng và (2) những công cụ dịch thuật online cũng hay dịch sai và thường không phát huy tác dụng.
Nhà nghiên cứu người Ý Antonio Rotolo cũng từng phải đối mặt với vấn đề này khi theo đuổi con đường học thuật. Công việc đòi hỏi ông phải ra mắt những bài báo khoa học bằng tiếng Anh trên những tạp chí chuyên ngành nổi tiếng. Sau 6 tháng theo học tại MIT, ông nghĩ ra một ý tưởng hết sức thú vị về một công cụ dịch thuật online “không thể sai sót” – trừ khi những trang tin nổi tiếng như New York Times, BBC,… cũng viết sai.
Bắt đầu ra mắt từ năm 2016, công cụ tìm kiếm ngôn ngữ Ludwig được thiết kế ra để giúp mọi người viết câu tiếng Anh chuẩn xác qua việc tìm ra các mẫu câu tương tự trong các bài báo đăng tải trên các trang tin nổi tiếng. Đặt trụ sở tại Catania, Ý với một ngũ các nhà nghiên cứu và kỹ sư từng làm việc tại nhiều trường đại học trên thế giới, Ludwig mới đây đã gọi vốn được gần 28.000 USD.
Đồng sáng lập Federico Papa cho biết “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là giúp mọi người có thế độc lập, không cần nhờ quá nhiều sự trợ giúp khi luyện viết nữa. Chúng tôi cho rằng học ngoại ngữ nên là một quá trình chủ động.”
Cách học chuẩn nhất chính là học theo cách nói của người bản xứ, và Ludwig hoạt động đúng trên nguyên tác đó. Để sử dụng, bạn chỉ cần gõ từ, cụm từ hay câu còn băn khoăn cách dùng lên thanh tìm kiếm của Ludwig. Ngay sau đó, các thuật toán sẽ so sánh cụm từ hay câu này với kho dữ liệu khổng lồ từ các trang như New York Times, BBC, PLOS ONE,…bao gồm các ngữ cảnh người bản xứ sử dụng chúng để người dùng có thể hiểu chính xác cách dùng đa dạng của cụm từ đó cũng như học được cách diễn đạt chính xác. Với những cụm thành ngữ, Ludwig cũng có mục giải nghĩa đầy đủ ở đầu trang kết quả tìm kiếm.
CEO Rotolo cho biết “Chúng tôi không coi mình là đối thủ của Google Translate. Mọi người có thể bỏ câu của họ lên Google Translate rồi kiểm tra trên Ludwig xem phần dịch của nó có chuẩn như cách người bản xứ hay dùng không.”
Hoặc khi cẩn một từ nào đó ta chưa biết, có thể dùng dấu "*"
Một công cụ dịch khác hiện nay là Reverso, nổi tiếng với kho dữ liệu lớn về các ví dụ song ngữ giúp người dùng tìm được cách diễn đạt phù hợp. Thế nhưng Rotolo cho biết “Để vào được cơ sở dữ liệu của Reverso, mỗi đoạn chữ phải có sẵn một bản dịch sang ngôn ngữ khác. Ludwig hoạt động khác như vậy. Chúng tôi kiểm tra các câu tiếng Anh bạn viết qua các ví dụ từ những nguồn đáng tin cậy của người bản xứ.”
Đôi khi Ludwig cũng khiến chúng ta hơi bối rối, chẳng hạn như khi gõ từ “data” (dữ liệu) thì công cụ tìm kiếm này cho ra kết quả đi với cả động từ số ít và số nhiều (is và are). Các kỹ sư Francesco Aronica và Salvatore Monello giải thích “Người dùng có thể xác thực cách dùng nào đúng qua việc nhìn xem cách dùng nào có nhiều kết quả hơn (phổ biến hơn) hoặc tìm hiểu thêm qua link web ở bên phải mỗi kết quả tìm kiếm.”
Hiện tại, sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên các ngành khoa học, kỹ thuật, là đối tượng hàng đầu của Ludwig. Ứng dụng này hiện đang miễn phí hoàn toàn cho bản web, và đội ngũ Ludwig vẫn đang thử nghiệm các hướng ra doanh thu như thêm quảng cáo trên trang, cung cấp API ứng dụng cho các nền tảng học ngôn ngữ của các trường đào tạo ngoại ngữ, tung phiên bản ứng dụng PC không quảng cáo (trả phí) hay hợp tác với các trang tin giúp dẫn lưu lượng truy cập về cho trang.
nguồn Techcrunch