Mẩu xương nhỏ trong dương vật của nhiều loài động vật (os penis hay baculum) là một trong những vật trưng bày được ưa thích nhất tại bảo tàng Grant (Anh). Điều nhiều khách tham quan thường băn khoăn là, tại sao "cậu nhỏ" của con người lại không có xương như ở giống đực của các loài động vật khác.
Xương trong dương vật (baculum) của các loài động vật linh trưởng được trưng bày tại bảo tàng Grant.
Theo các chuyên gia, dương vật của con người mang tính huyết động, tức là sự cương cứng của "cậu nhỏ" chỉ do áp lực máu dồn về gây ra. Ở các loài động vật có baculum, áp lực máu vẫn đóng một vai trò quan trọng, nhưng chức năng của nó là thúc đẩy cấu trúc xương trong dương vật để đạt được sự cương cứng. Việc này mang lại nhiều lợi ích hơn so với tình trạng cương cứng chỉ do áp lực máu dồn về gây ra.
Mặc dù kích thước trục dương vật và khả năng cạnh tranh của "tinh binh" có tính quyết định đối với khả năng thụ tinh của giống đực, nhưng ngay cả các dương vật "khủng" nhất cũng sẽ không có được lợi thế tiến hóa nếu các "con giống" không thể thoát ra ngoài, khiến những phẩm chất mong muốn sẽ không bao giờ được truyền lại cho thế hệ sau. Ở nhiều loài động vật, baculum sẽ giúp giữ mở bao quy đầu để cho tinh trùng "xuất quân" dễ dàng hơn và đây không phải là lợi ích duy nhất.
Mẩu xương nhỏ trong dương vật cũng sẽ giúp làm tăng thời gian giao hợp cũng như tần suất làm "chuyện ấy". Chẳng hạn như, một con sư tử cái có thể giao phối tới 100 lần/ngày, đôi khi mỗi cuộc "yêu" chỉ vẻn vẹn 4 phút, nhưng khả năng thụ thai chỉ đạt 38%. Vì vậy, các con sư tử đực cần có khả năng "lâm trận" kiên cường mới có cơ hội tốt nhất để làm cha. Và baculum đã giúp chúng có được khả năng đó.
Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng, con người, khỉ len và khỉ nhện là những loài động vật linh trưởng duy nhất thiếu mẩu xương tiện dụng như trên trong "cậu nhỏ".
Với các lợi ích không thể phủ nhận mà baculum mang lại cho dương vật về cấu trúc, sức mạnh, khả năng "chống chịu" và thời gian phục hồi, câu hỏi tiếp theo đặt ra là: Tại sao con người lại từ chối mẩu xương đó trong "cậu nhỏ"?
Ngoài con người, khỉ nhện và khỉ len là các loài động vật linh trưởng duy nhất không có baculum.
Việc tìm ra đáp án cho câu hỏi trên đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học tiến hóa cũng như các chuyên gia thần học (môn khoa học nghiên cứu bản chất của Chúa trời cũng như những cơ sở của tín ngưỡng, tôn giáo) trong suốt nhiều năm qua. Tranh cãi đã được tái hâm nóng vào năm 2001 với việc công bố một bài viết nhan đề "Sự thiếu hụt baculum bẩm sinh ở con người: mẩu xương tạo sinh Sáng Thế". Không hề muốn đi sâu vào cuộc tranh luận giữa tôn giáo và khoa học, có lẽ khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất của bài viết được đăng tải trên tạp chí American Journal of Medical Genetics là giả thuyết trung tâm rằng, Chúa trời đã lấy baculum, chứ không phải mẩu xương sườn của Adam để tạo ra Eve trong vườn địa đàng.
"Các xương sườn thiếu khả năng sinh sản bên trong. Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng baculum của Adam đã bị lấy đi để tạo thành Eve. Điều đó có thể giải thích tại sao người đàn ông lại không sở hữu baculum, trong khi giống đực của hầu hết các động vật có vú và động vật linh trưởng khác đều có nó", trích bài viết làm "dậy sóng" dư luận.
Gần đây nhất, một nghiên cứu sử dụng phương pháp giải phẫu và phân tích dưới kính hiển vi đối với dương vật của người, chó và chuột đã hé lộ thêm manh mối cho câu trả lời.
Với các lợi ích kể trên của baculum, cốt lõi của vấn đề dường như nằm ở việc khám phá ra quá trình con người trên Trái đất đã sinh tồn thiếu mẩu xương trong "cậu nhỏ" như thế nào. Về nguyên tắc, dương vật lớn hơn ở người có thể tạo một lợi thế tiến hóa, nhưng không có sự dẻo dai của cấu trúc được xương nâng đỡ, "cậu nhỏ" làm thế nào để tránh bị oằn dưới áp lực?
Một nghiên cứu năm 2001 đã làm "dậy sóng" dư luận khi cho rằng, Adam đã hy sinh mẩu xương trong dương vật để tạo ra Eve trong vườn địa đàng.
Các kết quả phân tích bằng kính hiển vi và nhuộm màu mô collagen rốt cuộc đã phát hiện bằng chứng khó nắm bắt nhất. Trong lõi của dương vật người có một lớp lót hay màng bao (gọi là bao xơ), với nhiều sợi đàn hồi hoạt động để giữ cho dương vật cứng chắc tương tự như baculum. Bao xơ đóng vai trò như dây chằng ngoại biên và là một cấu trúc mạnh mẽ đến mức, ngay cả sau khi loại bỏ một số tĩnh mạch, "cậu nhỏ" vẫn có thể cương cứng mà không cần một cấu trúc xương hoàn chỉnh.
Dẫu vậy, một tin đáng buồn cho các quý ông là, nhóm tác giả nghiên cứu nhận định thêm rằng, dạng dây chằng ngoại biên đặc biệt này nếu bị đứt có thể mất nhiều thời gian để phục hồi hơn so với một mẩu xương bị gãy.
Rốt cuộc, câu hỏi cuối cùng là tại sao đàn ông để "mất" mẩu xương dương vật nhưng vẫn giữ lại một cấu trúc có chức năng tương tự? Câu trả lời có thể nằm ở ... phụ nữ. Quá trình chọn lọc tự nhiên xảy ra trên nền tảng của "các tín hiệu chân thực". Nói một cách đơn giản, cá thể cái cần phải chọn cá thể đực có phẩm cao để bảo đảm cho thế hệ con cái các gen tốt nhất, trong khi một dương vật hoạt động chủ yếu nhờ khả năng huyết động thường đòi hỏi một nguồn cung cấp năng lượng dồi dào. Do đó, nó là một tín hiệu chân thực phản ánh cá thể đực khỏe mạnh nhất, tương tự như cách các con hươu đực khỏe mạnh nhất sẽ mọc những chiếc gạc lớn nhất.
Tuấn Anh(Theo UCL)