Các nhà khoa học vừa phát hiện loài sâu tưởng như đã tuyệt chủng, sau 140 năm chúng ẩn mình dưới lòng đại dương.
Theo Livescience, vào năm 1873, những nhà thám hiểm biển đã phát hiện ra một loại sâu lạ dưới lòng đại dương, cách mặt nước khoảng 5,5km. Những phân tích sau này cho biết đó là một loại sâu sồi mới, có tên khoa học là Glandiceps Abyssicola.
Loài sâu biển có tên khoa học Glandiceps Abyssicola, xuất hiện sau 140 năm mất tích. (Ảnh: Live science)
Sâu sồi là một nhóm sinh vật sống dưới đáy biển, chúng ăn trầm tích và các mảnh vụn trôi nổi trong lòng đại dương. Tuy nhiên, suốt gần 140 năm kể từ đó tới nay, các nhà khoa học không phát hiện thêm được dấu vết loài này nữa.
Năm 2009, một nhóm nhà nghiên cứu tình cờ tìm thấy một đoạn thân động vật màu vàng trong một mẫu trầm tích ở vùng xích đạo Đại Tây Dương, gần Nam Mỹ. Xét nghiệm gene và di truyền của mẫu vật tìm được, các nhà khoa học kết luận đây chính là phần thân của loài sâu Glandiceps abyssicola. Nơi phát hiện ra cũng gần với địa điểm chúng xuất hiện lần đầu.
Karen Osborn, đồng tác giả công trình nghiên cứu và cũng là một chuyên gia về sâu tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian, Mỹ cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới sự biến mất của loài sâu biển này do cơ thể chúng rất mảnh, dễ bị đứt khi vớt lên bằng lưới kim loại.
Loài sâu biển này có nhiều điểm khác biệt so với họ hàng của chúng ở vùng nước nông. Chúng săn chắc và dễ nghiên cứu hơn. Osborn cho biết thêm, với đặc tính ăn mảnh vụn dưới đại dương, loài sâu này giống như một nhà máy nhỏ tiêu thụ chất hữu cơ vậy.
VNE