TP - Chủ nhân Huy chương vàng Cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) tại KualaLumpur (Malaysia, tháng 5/2013), chàng trai người Nùng Hoàng Duy Khánh, lớp 12A1, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) liên tục có những sáng tạo, ứng dụng thiết thực trong cuộc sống.
Duy Khánh cầm huy chương, được tôn vinh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). ảnh: Duy Chiến. |
Niềm đam mê sáng tạo được nhân lên khi mới đây Khánh trở thành tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện miền núi biên giới, từ nhỏ, Khánh đã mày mò nghiên cứu các vật dụng quanh nhà, từ chiếc đèn pin, mỏ hàn, cho đến ti vi, đài, quạt. Năm 2010, khi theo học tại Trường THPT Lương Văn Tri, niềm đam mê sáng tạo của cậu học trò phố huyện lớn hơn với sự cổ vũ, tiếp sức từ các thầy cô giáo.
Thầy Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng trường THPT Lương Văn Tri cho biết, sản phẩm đầu tay của Khánh là “Ống nhòm kỳ diệu”; tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn tổ chức đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất). Sau đó, chiếc máy phục vụ nông nghiệp có tên: “Máy gieo hạt mini” chạy bằng động cơ đốt trong, giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo trẻ của tỉnh năm sau.
Về ý tưởng làm robot LVT2 rinh giải vàng quốc tế tại KualaLumpur (Malaysia), Khánh kể: “Xuất phát từ những hình ảnh người công nhân gặp nạn trong hầm mỏ, những lần chứng kiến dân bản bị lũ quét làm sập nhà cửa, hoa màu, em đã phác thảo ý tưởng về một người máy cứu hộ làm việc trong điều kiện nguy hiểm thay thế con người”. Ông Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH-CN Lạng Sơn nhận xét: Robot LVT2 khá giống người máy Asimo của Nhật Bản, nhưng người máy cứu hộ hầm lò này có nhiều ưu điểm khác biệt là khả năng tự đu mình lên xuống dễ dàng và cẩu được vật nặng; có thể thay con người làm việc ở những môi trường độc hại, nguy hiểm.
Hiệu trưởng đích thân “phục vụ” học trò
Duy Khánh say mê sáng tạo từ nhỏ. ảnh: Duy Chiến. |
Để sáng tạo được robot LVT2, Khánh không thể nào quên được những ngày đầu gian khó, đặc biệt vấn đề kinh phí. Phác hoạ xong các bước, lập trình sẵn từng phần thiết kế nhưng Khánh ngồi nhìn sản phẩm trên giấy vì không biết lấy đâu ra tiền để mua trang thiết bị hỗ trợ. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô giáo, đầu năm học 2012, nhà trường vận động các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trên địa bàn, cả huyện miền núi tham gia đóng góp được hơn chục triệu giúp Khánh thực hiện ước mơ.
Khánh kể: “Ngày ấy, thầy hiệu trưởng xuống chợ trời ở Hà Nội, tìm mua linh kiện. Do không thông thuộc địa bàn, lại không dám dùng tiền dân góp để đi taxi nên thầy phải cuốc bộ hơn 10 cây số mới mua được mô tơ và các linh kiện cần thiết khác. Vậy mà, đem về lắp thử, vận hành, robot không hoạt động do các thiết bị quá yếu, không đủ công suất. Lần thứ hai cũng vậy, thầy trò lại mua trúng đồ rởm, quá cũ được mông má lại”.
Khi đó, Khánh rất buồn vì tiền mất, ý tưởng dở dang, lại có người nghi hoặc. Nhưng với thầy cô và bố mẹ vẫn tin tưởng, động viên nên Khánh quyết tâm trở lại Thủ đô lần nữa. Lần này, Khánh lựa chọn các linh kiện thật kỹ, xem xét các thông số kỹ thuật cẩn thận. Sau một tháng miệt mài, vừa làm, vừa chỉnh sửa, sản phẩm robot LVT2 đã hoàn thành. Hồi hộp nhất là khi vận hành thử, ai cũng lo lắng, chờ đợi. Khi robot LVT2 bước đầu di chuyển, biểu diễn các thao tác xoay, nắm tay, nâng đỡ vật nặng khá thuần thục, ai cũng mừng và xúc động. Khánh không giấu nổi niềm vui, rơm rớm nước mắt.
“Mặc dù sống trong gia đình nghèo ở thị trấn miền núi, để có tiền chi phí kỳ thi đại học vừa qua, gia đình em đã vay ngân hàng 10 triệu đồng. Khánh là một trong số ít học sinh miền núi của huyện thi đỗ ĐH Bách khoa năm nay. Nhà nghèo khó, song Khánh luôn có ý thức giúp đỡ người khác. Khánh vừa mua vở để tặng cho các bạn vùng sâu, vùng xa”, thầy Phùng Văn Thời nói.
Sau khi đoạt HCV quốc tế, Khánh được các cấp, các ngành động viên, khen thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2012, Khánh vinh dự nhận giải thưởng “Quả cầu vàng” do T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN trao tặng. |
Nguyễn Duy Chiến