Bộ Y tế: “Ngực lép” không được lái xe là dự thảo từ 2008
(Dân trí) - Trước thông tin cho rằng dự thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe đã được đưa ra, trong đó quy định người “ngực lép” không đủ tiêu chuẩn lái xe… đại diện Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, chưa dự thảo nào được đưa ra.
Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm hiện tại chưa có dự thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe được đưa ra. Hiện nay, các quy định về điều kiện sức khỏe lái xe đã được quy định từ nhiều năm qua, trước khi có Luật An toàn giao thông.
Hiện tại, các cơ quan liên quan mới đang đang thành lập Ban soạn thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe. Các thành viên ban soạn thảo là đại diện của các Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Công an. Ban soạn thảo cũng chưa được thành lập xong, vì thế, chưa hề có nội dung chi tiết dự thảo đưa ra. Thông tin báo chí đăng thời gian gần đây đều dựa trên dự thảo được đưa ra lấy ý kiến từ năm 2008.
Trước đó năm 2008, Bộ Y tế từng ban hành quy định về điều kiện sức khỏe lái xe, trong đó quy định rất chi tiết các tiêu chí sức khỏe phải đạt được mới được phép điều khiển xe cơ giới.
Theo quy định này, người đủ điều kiện lái xe máy 50cm3 trở lên phải đạt chiều cao tối thiểu 1m45, cân nặng không dưới 40kg. Ngoài ra, người lái xe cũng phải đáp ứng những yêu cầu rất cụ thể về thị lực, thính lực...
Cụ thể, với người đi xe máy, quy định mới yêu cầu thị lực đảm bảo 7/10 trở lên (kể cả hỗ trợ của kính), chiều cao tối thiểu phải đạt 1,45m trở lên. Đối với người lái ôtô, chiều cao tối thiểu phải từ 1,50m trở lên. Những người cân nặng dưới 40kg cũng không được lái xe máy dung tính 50cm3. Với nhóm lái xe chuyên nghiệp, những người đã có bằng lái, cần khám tuyển lại yêu cầu chiều cao 1,60m trở lên, với những người tuyển mới, tối thiểu phải đạt 1,62m.
Những người có thính lực kém, như nghe tiếng nói thầm, 1 tai dưới 3m, tai kia dưới 1m hoặc mất sức nghe cũng không được đi xe máy.
Ngoài ra, quy định mới cũng nêu rõ, những người mắc chứng rối loạn tâm thần cấp/mạn tính; Động kinh; những người bị cơn đau thắt ngực không ổn định; Gù, vẹo hoặc quá ưỡn; Cứng/dính cột sống; Thoát vị đĩa đệm… cũng không đủ điều kiện được lái xe máy, ô tô…
Quy định này cũng yêu cầu người khuyết tật phải đáp ứng các điều kiện như trên mới được tham gia điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ngoài ra, người có hai chân lệch nhau 2,5-3cm không được lái xe chuyên nghiệp, cụt ngón 1-2 hoặc cụt cả bốn ngón/bàn tay không được điều khiển xe máy. Trên thực tế có người cụt cả bốn ngón vẫn lái xe máy, điều đó cực kỳ nguy hiểm cho bản thân và an toàn giao thông.
Ngoài ra, trong quy định này có một số chỉ chỉ số rất đáng chú ý như đối với người lái xe cơ giới từ 1-3 tấn phải có chiều cao đủ từ 1,5m và vòng ngực từ 80cm, hay lái xe từ 3-5 tấn, phải có chiều cao trên 1,55m.
Thời điểm ban hành, quy định này bị sự phản ứng dữ dội của dư luận khi cho rằng “ngực lép”, nhỏ bé dưới 45kg không được lái xe, thì nhiều người Việt sẽ không có quyền lái xe vì “thấp bé nhẹ cân”. Hơn nữa, tới 83 tiêu chí được đưa ra, khiến dư luận cho rằng để đạt được điều kiện sức khỏe là vô cùng phức tạp.
Tại thời điểm đó, Bộ Y tế vẫn bảo lưu những ý kiến về tiêu chuẩn lái xe và quy định này không “phức tạp” như người dân nghĩ. Bởi 83 tiêu chí trong quy định về Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là những tiêu chí để bác sĩ có thể căn cứ vào đó khám, kiểm tra sức khỏe, tránh bỏ sót. Còn người được khám sức khỏe để thi bằng lái xe chỉ phải đảm bảo 48 tiêu chí. “Với những người quá thấp bé, nhẹ cân, không đủ điều kiện lái xe cơ giới thì phải chuyển sang sử dụng phương tiện khác, hoặc lái xe dưới 50cm3.
“Thời điểm hiện tại, dự thảo chưa được đưa ra. Ban dự thảo sẽ xây dựng thông tư liên bộ, theo các điều kiện mới phù hợp với điều kiện thể lực, phương tiện. Dự kiến, trước khi soạn thảo sẽ có khảo sát các thông số chỉ số sinh học (chiều cao, cân nặng, số đo vòng ngực, tình trạng sức khỏe) của những người đang lái xe. Các chỉ số khảo sát này góp phần là cơ sở xây dựng các chỉ số sức khỏe đảm bảo cho vận hành phương tiện giao thông. Dự kiến sẽ có các quy định khác nhau với lái xe chuyên nghiệp và lái xe của gia đình”, ông Tường nói.
Tú Anh